Lực lượng Chiến_dịch_Hà_Nam_Ninh

Quân đội Pháp

Do quá ỷ lại vào giáo dân, nên lực lượng của Pháp ở đây so với toàn khu III là nơi yếu hơn cả. Quân đóng ở Hà Nam Ninh có 4 tiểu đoàn và 27 đại đội, hầu hết đều là quân giáo dân. 1 tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn 6 bộ binh thuộc địa (6è RIC) đóng ở Nam Định làm nhiệm vụ cơ động tại địa phương.

Pháo binh ở Nam Định có 10 khẩu, Phủ Lý có bốn khẩu. Tại Khu nam đồng bằng, quân Pháp đóng hơn 100 vị trí, trên 20 vị trí từ đại đội trở lên, riêng tại Ninh Bình có 50 vị trí, trong đó có 9 vị trí từ đại đội trở lên. Tại khu vực này địch chưa làm công sự mới, các cứ điểm vẫn chỉ có hàng rào tre, lô cốt xây, tường gạch, một số nơi có lô cốt xi măng, hàng rào dây thép gai.

Lực lượng tự vệ công giáo do Giám mục Lê Hữu Từ thành lập gồm 22 đại đội vệ sĩ và 1 tiểu đoàn tự lực. Mỗi nhà xứ đều có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội do linh mục trực tiếp chỉ huy.

Sau khi chiến sự nổ ra, chỉ huy khu vực này là Fernand Gambiez nhanh chóng điều động lực lượng dự bị của khu về phía sông Đáy. Tiểu đoàn bộ binh 1 và 2 đại đội biệt kích của hải quân được Hải đoàn xung kích 3 (dinassaut 3) chở gấp về Ninh Bình. De Linarès đưa Binh đoàn cơ động số 1 (GM1) về Ninh Bình, Binh đoàn cơ động số 4 (GM4) về Phủ Lý. Tiểu đoàn 7 dù thuộc địa nhảy dù xuống bắc Ninh Bình, tiểu đoàn 2 dù thuộc địa xuống Thái Bình.

Ngoài De Linarès và Fernand Gambiez, tướng De Lattre de Tassigny chỉ huy tại mặt trận từ xa tại Hà Nội.

Quân đội Nhân dân Việt Nam

Công tác hậu cần chuẩn bị khẩn trương, phải đảm bảo vật chất cho gần 50.000 bộ đội và 45.000 dân công. Tháng 5 năm 1951, phải hoàn thành khối lượng vật chất gồm 2.870 tấn gạo, 1.450 tấn thực phẩm (trong đó có 80 tấn thịt), 190 tấn đạn, chuẩn bị cơ sở và phương tiện cứu chữa cho 2.000 - 2.500 thương binh với 5.100 giường bệnh. Đến ngày nổ súng, mọi công tác chuẩn bị đã đảm bảo để chiến dịch nổ súng đúng thời gian.[3]